“Nếu cần phải ăn con ếch, tốt nhất bạn nên làm điều đó trước tiên vào buổi sáng. Nếu bạn phải ăn hai con, hãy ăn con lớn trước” | Mark Twain
Mark Twain từng nói, nếu việc đầu tiên bạn làm mỗi sáng là ăn một con ếch sống, chắc chắn sẽ chẳng có gì tệ hơn có thể xảy ra trong ngày với bạn nữa. “Con ếch” ở đây nghĩa là nhiệm vụ lớn nhất, quan trọng nhất – và có khả năng cao sẽ bị trì hoãn, nếu bạn không bắt tay thực hiện sớm.
Nguyên tắc này được dựa trên niềm tin rằng những công việc khó nhất thường là những công việc mà ta dễ trì hoãn nhất. Nếu chúng ta không thực hiện chúng trước, thì chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện chúng cả
Eat the Frog là giải pháp lý tưởng cho những ai:
• Bị bệnh “lề mề” kinh niên.
• Làm việc rất nhiều, nhưng lại không đạt được kết quả cao đối với những nhiệm vụ quan trọng.
• Gặp khó khăn khi cần tập trung cao độ trong một khoảng thời gian và cải thiện năng suất.
• Không thể quyết định lựa chọn công việc cần làm.
• Cảm thấy quá tải với khối lượng công việc của mình.
Vì sao cần phải “ăn con ếch”?
Chúng ta hay làm việc bị quá tải nếu không quản lý được thời gian. Tình trạng “quá tải” sẽ dẫn tới hai 2 tình huống sau:
• Tình huống A: Trì hoãn những việc lớn và quan trọng, cho đến khi những việc đó dần trở nên
cấp bách và tồi tệ hơn.
• Tình huống B: Giải quyết tất cả các nhiệm vụ nhỏ nhặt, mất thời gian trước, rồi mới thực hiện việc chính sau.
Cả hai hướng hành động trên đều không hiệu quả - và chỉ khiến ta “chìm sâu hơn vào vũng bùn”. Để tránh những hậu quả không mong muốn, bạn nên tập trung vào nhiệm vụ quan trọng và mang lại tác động lớn nhất.
“Eat the frog” xong thì ta nhận được gì?
Bạn sẽ tìm thấy vô vàn lợi ích của Eat the frog trên internet. Nhưng dưới đây là những lợi ích quan trọng khi áp dụng phương pháp này:
1. Tập trung vào công việc đem lại giá trị lớn nhất
Công việc khó nhất thường là những công việc yêu cầu nhiều chất xám nhất, và như vậy cũng thường đem lại giá trị lớn nhất.
Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng ưu tiên làm những công việc này trước. Bởi lẽ, khi to do list của chúng ta dày đặc những công việc nhỏ nhỏ, kiểu tìm được cái gift dễ thương cho dự án tiếp thị của mình... thì chúng ta dễ cảm thấy bận rộn “giả”; Và chính vì chúng ta tập trung làm những thứ nhỏ nhặt đó, mà quên đi điều gì là quan trọng nhất.
2. Tận dụng được tối đa sự tập trung và sáng tạo
Chúng ta hay dậy sớm và có nhiều năng lượng vào buổi sáng nhất. Khoa học đã chứng minh rằng ai trong chúng ta cũng có một nguồn năng lượng tinh thần hữu hạn, và vì vậy chúng ta sử dụng nó càng nhiều trong ngày thì đến cuối ngày ta sẽ càng mệt mỏi và dễ lười biếng.
Đó chính là lý do vì sao nhiều người lên kế hoạch tạo thói quen đọc sách/học tập buổi tối lại không thành vì tới lúc đó họ đã quá mệt (về mặt tinh thần / cả thể xác) để tiếp thu được kiến thức. Kết quả là họ thay thế những thói quen đó bằng những hoạt động giải trí tốn ít năng lượng não bộ hơn như lướt mạng xã hội, chơi game, nghe nhạc…
Một điểm nữa đa số giớ trẻ là cú đêm, và vì vậy buổi sáng họ thường ít năng lượng. Các cuộc họp lớn, hoặc công việc cần hợp tác nhiều người thường sẽ được đặt vào buổi chiều. Đây là điều kiện tuyệt vời vì ta có thể tập trung làm công việc của riêng mình vào buổi sáng mà không bị xao nhãng bởi meetings hay tin nhắn từ đồng nghiệp.
3. Ảnh hưởng tích cực đến các công việc khác
Bạn cứ tưởng tượng công việc khó khăn nhất trong ngày là một chiếc bánh xe rất nặng, và lớn. Bạn sẽ cần nhiều sức để đẩy nó đi lúc ban đầu, nhưng một khi chiếc bánh bắt đầu lăn, thì công sức bạn cần bỏ ra để nó tiếp tục lăn sẽ càng ngày càng ít.
Việc hoàn thành được một công việc khó chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta sự hưng phấn và động lực để hoàn thành các công việc tiếp theo. Khi chúng ta đã gỡ bỏ được nút thắt “khó chịu” nhất trong ngày, thì chúng ta sẽ tận hưởng quãng thời gian làm việc cho đến cuối ngày. Ngược lại, nếu chúng ta trì hoãn công việc quan trọng nhất đến cuối ngày (để rồi lần lữa sang ngày tiếp theo) thì khi dắt xe về nhà mình sẽ cảm thấy rất bức bối.
Chúc các bạn Áp dụng kỹ thuật “Ăn con ếch bự” thành công.
From MIR with love.
Tổng hợp từ nhiều nguồn.
Download dữ liệu về